Tin tức

Trang chủ / TIN TỨC - GIẢI ĐÁP / Giám đốc là gì? Một người có thể làm giám đốc bao nhiêu công ty?

Giám đốc là gì? Một người có thể làm giám đốc bao nhiêu công ty?

1. Giám đốc là gì?

Giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, khái niệm này được quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật doanh nghiệp năm 2020.

Có thể hiểu đơn giản rằng, giám đốc là người được chủ sở hữu doanh nghiệp giao cho quyền quản lý điều hành doanh nghiệp, theo chế độ một thủ trưởng, chịu trách nhiệm trước người chủ sở hữu về mọi hoạt động của doanh nghiệp cũng như kết quả các hoạt động đó. Đồng thời cũng được hưởng thù lao tương xứng với hiệu suất làm việc.

Giám đốc là một tên gọi chung cho người điều hành hoạt động của công ty, trên thực tế giám đốc được chia làm hai loại là giám đốc điều hành và giám đốc kinh doanh. Giám đốc điều hành (còn được gọi là CEO), là người phụ trách điều hành doanh nghiệp theo mục tiêu, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Không những vậy, giám đốc điều hành còn là người tổng hợp dữ liệu và đưa ra các quyết định chiến lược cho công việc kinh doanh ngắn hạn, dài hạn của công ty và là người trực tiếp chịu trách nhiệm cho kết quả kinh doanh này.

Về cơ bản, một CEO có vai trò trong doanh nghiệp như thay mặt công ty phát ngôn với các cổ đông, các cơ quan chính phủ và công chúng; đề xuất những quyết định về doanh nghiệp trong ngắn và dài hạn; thiết lập, triển khai tầm nhìn và mục tiêu cho công ty; nắm bắt cơ hội thị trường; đánh giá rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt và giám sát, giảm thiểu các rủi ro đó…

Vậy giám đốc kinh doanh là gì? Giám đốc kinh doanh thường gọi là CCO, là một chức danh có vị trí vô cùng quan trọng trong công ty chỉ sau Giám đốc điều hành (CEO). Khác với CEO, CCO là người điều hành toàn bộ các hoạt động liên quan đến tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, khách hàng…Là người có quan hệ thường xuyên và trực tiếp với khách hàng, nắm mọi thông tin và mong muốn của khách hàng và đưa ra chính sách hợp lý nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh, xây dựng đội ngũ khách hàng VIP.

Tuy nhiên, tuỳ theo cơ cấu và quy mô của mình, mỗi doanh nghiệp sẽ có bộ phận quản lý riêng và có những chức vụ liên quan riêng biệt, không phải doanh nghiệp nào cũng có giám đốc điều hành, giám đốc kinh doanh hay bắt buộc phải có cả hai. Về mặt cơ bản, giám đốc nói chung sẽ có những vai trò như:

– Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hàng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của hội đồng quản trị (HĐQT), hội đồng thành viên (HĐTV).

– Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của HĐQT, HĐTV.

– Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty.

– Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty.

– Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh trong công ty.

– Quyết định lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty.

– Tuyển dụng lao động và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của HĐQT, HĐTV.

Tóm lại, giám đốc là người quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp hay tình hình kinh doanh không ổn định dẫn đến phá sản. Chính vì vậy, để đảm nhiệm vai trò một người giám đốc hoàn toàn không đơn giản như vẻ bề ngoài.

2. Một người có thể làm giám đốc bao nhiêu công ty?

Một người muốn nắm giữ vị trí quan trọng trong công ty cụ thể là vị trí giám đốc phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng giám đốc theo quy định tại Điều 64 Luật doanh nghiệp 2020 như sau:

“1. Không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này”.

Ví dụ: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp,… sẽ không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

“2. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.”

Điểm này được quy định có thể xem là rất hợp lý. Vì để có thể dẫn dắt một doanh nghiệp thì người giám đốc có trình độ, kinh nghiệm mới có thể phát triển, nâng tầm công ty vươn ra các nền kinh tế trên thế giới. Đây cũng được xem như là quy định nhấn mạnh thêm vai trò quan trọng của một người giám đốc đối với công ty, doanh nghiệp.

“3. Đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty, Kiểm soát viên của công ty và của công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty và công ty mẹ.”

Tại khoản này, quy định rất rõ về việc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc tại doanh nghiệp nhà nước, công ty con của doanh nghiệp nhà nước không được có quan hệ gia đình của người quản lý công ty, kiểm soát viên công ty và người đại diện phần vốn.

Điều này nhằm tránh tình trạng hiện nay đã và đang diễn ra trên thực tế, nhiều người cậy quyền cậy thế, nhờ vào quan hệ mà được lên làm Giám đốc, Tổng giám đốc mặc dù không có trình độ, năng lực hay kinh nghiệm quản trị kinh doanh. Những người này thường chỉ biết ngồi tại vị trí đó, đẩy công việc của mình xuống cho cấp dưới còn mình chỉ biết hưởng thụ.

Không những thế, họ còn xem thường người khác, không phân biệt phải trái, xem lời nói của mình như mệnh lệnh. Từ đó tình hình hoạt động của doanh nghiệp, công ty trì trệ dẫn đến phá sản, thua lỗ, hơn nữa còn vướng vào pháp luật.

Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 101 của Luật doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định rằng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước thì không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.

Như vậy có thể thấy, Luật doanh nghiệp năm 2020 vẫn chưa có quy định cụ thể nào về việc yêu cầu  một người có thể được làm giám đốc tại bao nhiêu công ty. Nói một cách dễ hiểu, theo quy định của pháp luật hiện nay, một người chỉ cần đáp ứng đủ các quy định tại Điều 64 của Luật doanh nghiệp năm 2020 và các điều kiện khác có liên quan thì có thể được làm giám đốc cho một hay nhiều công ty, doanh nghiệp khác nhau.

Trên đây là những giải đáp của chúng tôi. Nếu bạn có nhu cầu cần tư vấn về các vấn đề pháp lý doanh nghiệp. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ:

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH V.I.P – CHI NHÁNH THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Số 660/1 đường Bắc Kạn, Phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên.

HOTLINE 0862328616 – 0976130585

Email: luatvipthainguyen@gmail.com