Tin tức

Trang chủ / TẠM NGƯNG - GIẢI THỂ - PHÁ SẢN / Giải thể doanh nghiệp / Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp tại Thái Nguyên

Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp tại Thái Nguyên

1. Giải thể doanh nghiệp là gì?

Giải thể doanh nghiệp được hiểu là quá trình dẫn đến việc chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp đó. Theo pháp luật hiện hành, giải thể doanh nghiệp có các đặc điểm cơ bản sau đây:

– Thứ nhất, giải thể doanh nghiệp dẫn đến việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tiến hành thủ tục giải thể thì mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phải chấm dứt, doanh nghiệp phải tiến hành thanh lý các tài sản, thực hiện việc thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp. Hậu quả của việc giải thể doanh nghiệp đó là doanh nghiệp sẽ bị xóa tên trong sổ đăng ký doanh nghiệp. Kể từ thời điểm cơ quan đăng ký kinh doanh xóa tên doanh nghiệp trong số đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó không còn tồn tại trên thị trường nữa.

– Thứ hai, giải thể doanh nghiệp là thủ tục mang tính hành chính. Việc giải thể doanh nghiệp do doanh nghiệp mà cụ thể là chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp tiến hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Để chấm dứt sự tồn tại, doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều thủ tục, có thể kể đến như thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trả con dấu, nộp hồ sơ giải thể, xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký doanh nghiệp… Đây đều là những thủ tục được tiến hành tại cơ quan hành chính.

– Thứ ba, giải thể doanh nghiệp mang tính tự nguyện hoặc bắt buộc. Giải thể doanh nghiệp trước hết là quyền của chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân, tất cả thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần đều có quyền quyết định giải thể doanh nghiệp. Đây là trường hợp giải thể hoàn toàn mang tính chất tự nguyện, theo ý chí của nhà đầu tư. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định các trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải giải thể, cụ thể là trong những trường hợp doanh nghiệp không còn đáp ứng các điều kiện để tiếp tục hoạt động hay vi phạm các quy định của pháp luật dẫn đến bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đây là trường hợp giải thể theo ý chí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Thứ tư, việc giải thể doanh nghiệp phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Đây là điểm đặc trưng của giải thể doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn chấm dứt sự tồn tại bằng thủ tục giải thể thì phải tiến hành thanh lý tài sản và bảo đảm thanh toán đầy đủ các khoản nợ với các chủ nợ, cũng như thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ hợp đồng, hoặc chuyển giao nghĩa vụ thanh toán nợ và nghĩa vụ hợp đồng cho các chủ thể khác theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan. Các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp sẽ được giải quyết và mọi tài sản còn lại của doanh nghiệp được phân chia cho các thành viên hoặc chủ sở hữu doanh nghiệp.

2. Các trường hợp giải thể doanh nghiệp

Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về các trường hợp giải thể doanh nghiệp như sau:

Điều 207. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp

“1. Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.”

Như vậy, doanh nghiệp có thể giải thể khi:

– Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn, điều lệ công ty là bản cam kết của các thành viên về thành lập, hoạt động của công ty, trong đó đã thỏa thuận về thời hạn hoạt động. Khi hết thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ (nếu các thành viên không muốn xin gia hạn hoạt động) thì công ty đương nhiên phải tiến hành giải thể. Đây là trường hợp các thành viên xét thấy việc tham gia công ty không còn có lợi thì họ có thể thỏa thuận để yêu cầu giải thể công ty.

– Theo quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp, cụ thể là theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần. Việc giải thể công ty là do các chủ thể theo quy định của pháp luật được thực hiện, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho các thành viên khác của công ty. Pháp luật cũng quy định rất rõ và cụ thể các chủ thể có thẩm quyền được tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp.

– Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật: Có đủ số lượng thành viên tối thiểu là một trong những điều kiện pháp lý để công ty tồn tại và hoạt động, pháp luật quy định số lượng thành viên tối thiểu cho mỗi loại hình công ty là khác nhau. Khi không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu, để tiếp tục tồn tại, công ty phải kết nạp thêm các thành viên cho đủ số lượng tối thiểu hoặc chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp phù hợp. Thời hạn để công ty thực hiện việc kết nạp thêm thành viên là 6 tháng nếu không kết nạp thêm thành viên hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì công ty phải giải thể.

– Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là căn cứ pháp lý không thể thiếu cho tồn tại và hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, công ty nói riêng. Khi doanh nghiệp kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì công ty không thể tiếp tục tồn tại, hoạt động.

Các quy định về giải thể doanh nghiệp không chỉ tạo cơ sở pháp lý để chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp mà còn bảo vệ quyền lợi của những chủ thể có sự liên quan khi doanh nghiệp chấm dứt tồn tại.

3. Các điều kiện giải thể doanh nghiệp

Khoản 2, Điều 207, Luật doanh nghiệp 2020 quy định điều kiện giải thể doanh nghiệp đó là:

Điều 207. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp

2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Các quy định về giải thể doanh nghiệp không chỉ tạo cơ sở pháp lý để chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp, mà còn bảo vệ quyền lợi của những chủ thể có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của chủ nợ và người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt tồn tại. Do vậy, việc xác định rõ điều kiện để tiến hành giải thể doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Như vậy, dù là trường hợp tự nguyện giải thể hay bắt buộc giải thể thì doanh nghiệp cũng phải đáp ứng điều kiện này mới được giải thể, nếu không doanh nghiệp sẽ không thể chấm dứt hoạt động bằng thủ tục giải thể. Trên thực tế, việc đòi hỏi doanh nghiệp giải thể phải thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản là điều không hề đơn giản.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp tại Thái Nguyên. Nếu quý khách hàng cần tư vấn và hỗ trợ. Hãy liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH V.I.P – CHI NHÁNH THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Số 660/1 đường Bắc Kạn, Phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên.

HOTLINE 0862328616 – 0976130585

Email: luatvipthainguyen@gmail.com