Tin tức

Trang chủ / LUẬT SƯ TRANH TỤNG / Hình sự / Uống rượu bia, sử dụng chất kích thích có phải tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ?

Uống rượu bia, sử dụng chất kích thích có phải tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ?

1. Năng lực trách nhiệm hình sự

Bộ luật hình sự 2015 không trực tiếp quy định về khái niệm trách nhiệm hình sự hay quy định về tình trạng có năng lực trách nhiệm hình sự, mà chỉ quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 Bộ luật hình sự) và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015).

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Từ đó đó, có thể đưa ra khái niệm về năng lực trách nhiệm hình sự như sau: Năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng của người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển được hành vi đó.

1.1. Người có năng lực trách nhiệm hình sự

Người có năng lực trách nhiệm hình sự được hiểu là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi và điều khiển được hành vi ấy.

Do vậy, năng lực trách nhiệm hình sự là một trong những điều kiện để có thể xác định một người có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chỉ những người có năng lực trách nhiệm hình sự mới có thể xuất hiện yếu tố lỗi và mới có thể là chủ thể của tội phạm khi đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. 

1.2. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Căn cứ Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Thông thường, đương nhiên coi một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là người có năng lực trách nhiệm hình sự khi không nghi ngờ về việc người đó có thể ở trong trạng thái không có năng lực trách nhiệm hình sự. Trường hợp này, không cần phải đưa đi trưng cầu giám định tâm thần tư pháp để xác định khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của người đó.

Trường hợp có những căn cứ nghi ngờ về việc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới cần thiết đưa người đó đi trưng cầu giám định tâm thần tư pháp để xác định, kết luận về việc người đó có năng lực trách nhiệm hình sự hay không.

2. Trường hợp phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác

2.1. Dấu hiệu

Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về trường hợp phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như sau:

Điều 13. Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác

“Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Xác định lỗi trong trường hợp này là “lỗi” tự đưa mình vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác. Lỗi này không trùng với khái niệm lỗi trong hình sự Việt Nam (Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do người đó thực hiện và đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó, được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý).

Đối với hành vi phạm tội do sử dụng bia, rượu hoặc chất kích thích mạnh khác là do chủ thể đó thực hiện, do ý chí chủ quan của bản thân họ. Họ nhận thức được tác hại và những rủi ro xảy ra của các chất này nếu như lạm dụng quá mức nhưng họ vẫn đưa những chất kích thích này vào cơ thể, đôi khi là “cố ý” sử dụng dụng bia, rượu hoặc chất kích thích mạnh khác để thực hiện hành vi phạm tội của mình một cách dứt khoát hơn.

2.2. Trách nhiệm hình sự

Trường hợp một người đã có hành vi dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác làm cho người đó rơi vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi rồi sau đó lại thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Trong trường hợp này, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội vẫn bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự.

2.3. Một số trường hợp ngoại lệ

Trường hợp người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp 1: Những người say rượu do bệnh lý (tức căn cứ vào giám định y khoa xác định thực thế chủ thể chỉ cần ngửi mùi là đã rơi vào tình trạng say):

Đặc điểm của say rượu bệnh lý phát sinh sau khi uống rượu không phụ thuộc vào số lượng và loại rượu uống. Say rượu bệnh lý là trạng thái loạn thần cấp tính xảy ra do uống rượu trong một khoảng thời gian ngắn (xảy ra cả khi một lượng rượu nhỏ) nhưng vẫn bị say do cơ thể có sự suy yếu hoặc mẫn cảm đặc biệt đối với thành phần có trong rượu.

Trường hợp 2: Người phạm tội không tự đưa mình vào tình trạng say.

Trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nhưng người đó không có lỗi đối với tình trạng đó của bản thân thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã loại trừ trường hợp bị cưỡng ép sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác. Vì sau đó nếu chủ thể có thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: Tại bàn ăn, A, B rủ C uống rượu, C không uống được rượu nên từ chối nhưng A ép, đè C ra, còn B đổ rượu vào miệng C, ép C uống. Sau đó, C uống say dẫn đến mất khả năng nhận thức nên đã thực hiện hành vi dùng gậy đập vào chân D. Giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của D là 15%. Trường hợp này C không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích.

3Uống rượu bia, sử dụng chất kích thích  tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng trách nhiệm hình sự?

3.1. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự thì người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định này đúng đắn ở điểm: nếu đây được xem là tình tiết giảm nhẹ do một người rơi vào trạng thái không làm chủ được nhận thức và điều khiển hành vi thì có khả năng nhiều đối tượng sẽ lợi dụng vào quy định này để phạm tội hoặc cố tình phạm tội (do tự tin phạm tội trong trạng thái này sẽ được giảm nhẹ tội). Bên cạnh đó, Điều 51 Bộ luật hình sự quy định về Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng không không đề cập đến giảm nhẹ đối với hành vi phạm tội trong trường hợp sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác.

3.2. Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

Theo Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phạm tội khi say rượu, bia không phải là tình tiết giảm nhẹ cũng không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, đối với một số tội thì phạm tội khi sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ


2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
…”

Điều 267. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt

“…

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
…”

Điều 272. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy

“…

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
…”

Trên đây là những giải đáp của chúng tôi. Nếu bạn có nhu cầu cần tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp luật. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ:

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH V.I.P – CHI NHÁNH THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Số 660/1 đường Bắc Kạn, Phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên.

HOTLINE 0862328616 – 0976130585

Email: luatvipthainguyen@gmail.com