Tin tức

Trang chủ / LUẬT SƯ TRANH TỤNG / Dân sự / Các hợp đồng thế chấp quyền tài sản phổ biến hiện nay tại Thái Nguyên

Các hợp đồng thế chấp quyền tài sản phổ biến hiện nay tại Thái Nguyên

1. Thế chấp quyền tài sản là gì ?

Thế chấp là một cách thức mà bên có quyền và bên có nghĩa vụ lựa chọn để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ thông qua một tài sản và giá trị của tài sản này có thể tương đương hoặc lớn hơn giá trị của nghĩa vụ.

Căn cứ tại Điều 115 BLDS 2015 quy định về quyền tài sản như sau:

“Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.”

Như vậy có thể rút ra được định nghĩa thế chấp quyền tài sản là việc bên thế chấp (bên sở hữu giấy chứng nhận đối với quyền tài sản) mang giấy chứng nhận quyền đối với quyền tài sản giao cho bên nhận thế chấp nhằm đảm bảo cho nghĩa vụ của mình/người thứ ba đối với bên nhận thế chấp.

2. Thế chấp quyền đòi nợ

Biện pháp bảo đảm này chịu sự điều chỉnh của các quy định chung về giao dịch bảo đảm, quy định về thế chấp tài sản và một số quy định riêng về xác lập hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ và về xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ. Tuy vậy, các quy định này chưa đề cập hết các khía cạnh giao dịch bảo đảm này. Chẳng hạn điều 22, Nghị định 163 chưa chỉ ra được giá trị pháp lý của việc thông báo cho bên có nghĩa vụ trả nợ (chẳng hạn, đảm bảo tính đối kháng của giao dịch bảo đảm đối với bên này). Yêu cầu đặt ra đối với nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ trả nợ về việc xác lập giao dịch bảo đảm nêu tại khoản 3, điều 279, Dự thảo không hợp lý bởi: (i) có thực hiện việc thông báo hay không thông báo là lựa chọn mang tính chất thương mại của các bên; nếu không thông báo thì giao dịch bảo đảm chỉ không có giá trị pháp lý với bên có nghĩa vụ trả nợ (tức là bên này có thể thanh toán hợp lệ cho bên bảo đảm) nhưng giao dịch bảo đảm vẫn có giá trị pháp lý với các bên và nếu được đăng ký, với các bên thứ ba khác và (ii) không nhất thiết việc thông báo phải do bên nhận bảo đảm thực hiện : bên có nghĩa vụ sẽ cảm thấy yên tâm hơn để về sau thực hiện việc thanh toán khi nhận được thông báo từ chính bên bảo đảm – là chủ nợ ban đầu.  Mặt khác, khoản 2, điều 7 Thông tư 16 dường như đã cố giải quyết mối quan hệ giữa việc đến hạn của nghĩa vụ được bảo đảm và việc đến hạn của quyền đòi nợ nhưng được viết một cách khá phức tạp và dễ gây hiểu nhầm. Chẳng hạn để diễn đạt ý “quyền đòi nợ được thế chấp đến hạn trước nghĩa vụ được bảo đảm”, điều luật này viết “nếu thời điểm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng có căn cứ phát sinh quyền đòi nợ của bên thế chấp xảy ra trước thời điểm xử lý quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp”. Bên cạnh đó các quy định vẫn bỏ ngỏ tính đối kháng của các phương tiện phòng vệ (hợp đồng giao dịch liên quan đến quyền đòi nợ được thế chấp bị thay đổi, chấm dứt hay hủy bỏ, bù trừ nghĩa vụ…) mà bên có nghĩa vụ trả nợ có thể viện ra để từ chối thanh toán hay chỉ thanh toán một phần khoản nợ. Do thế chấp quyền đòi nợ là giao dịch bảo đảm đối với tài sản vô hình được sử dụng phổ biến nhất trong thực tế nên việc khắc phục các hạn chế của quy định hiện hành rất cần thiết để khơi thông tín dụng.

3. Thế chấp quyền sở hữu trí tuệ

 Mặc dù Điều 322 của Bộ luật dân sự liệt kê rõ ràng các quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng làm tài sản bảo đảm, Luật sở hữu trí tuệ không đề cập tới việc thế chấp các quyền sở hữu trí tuệ này. Thực vậy, Luật sở hữu trí tuệ chỉ quy định việc chuyển nhượng quyền tác giả (điều 45 và điều 46), việc định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp thông qua việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp (điểm c, khoản 1, điều 123 và từ điều 138 tới điều 150) và việc chuyển giao quyền đối với giống cây trồng (từ điều 192 tới điều 197). Cũng không có bất cứ quy định nào về việc xác lập và hệ quả pháp lý của giao dịch bảo đảm có đối tượng là quyền sở hữu trí tuệ trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật này như Nghị định số 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/09/2006 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan được bổ sung, sửa đổi năm 2011 và 2012, Nghị định  số 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/09/2006 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp được bổ sung, sửa đổi năm 2010 hay Nghị định số 88/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/08/2010 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng, được bổ sung, sửa đổi năm 2011. Một số đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không chỉ được thế chấp mà còn được đưa vào trong nhiều giao dịch khác như chuyển nhượng hay chuyển quyền sử dụng mà theo quy định của pháp luật thì các hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp phải được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp để đảm bảo hiệu lực của hợp đồng hay giá trị pháp lý đối với các bên thứ ba (điều 148, Luật sở hữu trí tuệ).

4. Thế chấp quyền phát sinh từ hợp đồng

Khoản 6, điều 3, Thông tư 05 dường như giới hạn loại quyền phát sinh từ hợp đồng nào được dùng làm tài sản bảo đảm. Điều 6a và 6b của Thông tư này quy định quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng chỉ gồm (i) quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng, giao dịch về bất động sản, cụ thể là : quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở, hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà ở (bao gồm cả nhà ở xã hội) của tổ chức, cá nhân mua của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo các dự án xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán, góp vốn, hợp tác kinh doanh tài sản khác gắn liền với đất; quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ở gắn với hạ tầng kỹ thuật được chủ đầu tư dự án giao kết hợp pháp theo quy định của pháp luật về nhà ở; các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án xây dựng nhà ở; các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất (lợi tức của thửa đất hoặc của hạ tầng kỹ thuật trên đất); quyền tài sản khác theo quy định của pháp luật” và (ii) quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng, giao dịch về tàu bay, tàu biển, cụ thể là : quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng thuê đóng tàu biển; quyền bồi hoàn, quyền bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng mua bán tàu bay, tàu biển; quyền thụ hưởng bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đối với tàu bay, tàu biển; lợi tức thu được từ việc khai thác tàu bay, tàu biển và các quyền tài sản khác theo quy định của pháp luật.

5. Đăng ký thế chấp quyền tài sản

Theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP thì biện pháp thế chấp sau đây phải đăng ký

1. Các biện pháp bảo đảm sau đây phải đăng ký:

a) Thế chấp quyền sử dụng đất;

b) Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

c) Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

d) Thế chấp tàu biển

Có thể thấy không phải quyền tài sản nào cũng phải đăng ký giao dịch bảo đảm điều này dẫn tới hợp đồng thế chấp chỉ có ý nghĩa ràng buộc giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp trong các trường hợp thế chấp quyền tài sản như quyền đòi nợ…Theo đó, quyền của bên nhận thế chấp đối với quyền tài sản dùng để thế chấp chỉ có hiệu lực đối với bên thế chấp.

Chẳng hạn, đối với thế chấp quyền sử dụng đất,

Khoản 3 Điều 188 Luật đất đai 2013 đã quy định rõ:

Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”

Như vậy, việc thế chấp quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai (Văn phòng đăng ký đất đai) và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, các giao dịch dân sự diễn ra ngày càng nhiều, rủi ro phát sinh ngày càng cao, vì vậy để đảm bảo lợi ích chính đáng giữa các bên thì các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự luôn được đề cao, thế chấp tài sản được lựa chọn như là công cụ pháp lý hữu hiệu để hạn chế những rủi ro có thể phát sinh.Với sự bùng nổ của khoa học công nghệ thì vai trò của quyền tài sản ngày càng tăng lên và chiếm tỉ trọng lớn trong khối tài sản của con người. Việc sử dụng loại tài sản này để bảo đảm cho các quan hệ nghĩa vụ sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi về các hợp đồng thế chấp quyền tài sản phổ biến hiện nay tại Thái Nguyên. Nếu quý khách hàng cần tư vấn và hỗ trợ. Hãy liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH V.I.P – CHI NHÁNH THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Số 660/1 đường Bắc Kạn, Phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên.

HOTLINE 0862328616 – 0976130585

Email: luatvipthainguyen@gmail.com