Tin tức

Trang chủ / LUẬT SƯ TRANH TỤNG / Hôn nhân và gia đình / Nghĩa vụ cấp dưỡng theo luật Hôn nhân và gia đình tại Thái Nguyên

Nghĩa vụ cấp dưỡng theo luật Hôn nhân và gia đình tại Thái Nguyên

1. Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của việc cấp dưỡng

1.1. Khái niệm về cấp dưỡng

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

1.2. Đặc điểm của nghĩa vụ cấp dưỡng

– Thứ nhất, quan hệ cấp dưỡng là một quan hệ nhân thân gắn liền với tài sản trong pháp luật hôn nhân và gia đình.

Quan hệ cấp dưỡng là một quan hệ pháp lý được điều chỉnh bởi pháp luật hôn nhân và gia đình, quan hệ này đòi hỏi chủ thể phải trực tiếp thực hiện bằng tài sản. Theo đó, người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chu cấp một khoản tiền hoặc hiện vật nhất định để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

Đặc biệt, nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao nghĩa vụ cho người khác vì nó gắn liền với nhân thân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, cũng không được thay thế nghĩa vụ cấp dưỡng này bằng một nghĩa vụ khác.

– Thứ hai, quan hệ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các thành viên trong gia đình trên cơ sở quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng.

Quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng là cơ sở hình thành quan hệ cấp dưỡng. Hôn nhân là cơ sở ràng buộc về mặt pháp lý giữa vợ và chồng, đồng thời làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, trong đó có quan hệ cấp dưỡng.

Huyết thống cũng là quan hệ pháp lý được pháp luật ghi nhận, thể hiện sự ràng buộc về quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con, trong đó có nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ và quyền được cấp dưỡng của con. Nuôi dưỡng cũng là một quan hệ pháp lý được pháp luật hôn nhân và gia đình ghi nhận làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa người nuôi dưỡng và người được nuôi dưỡng, trong đó có nghĩa vụ cấp dưỡng và quyền được cấp dưỡng.

– Thứ ba, quan hệ cấp dưỡng mang tính chất có đi có lại, thể hiện mối quan hệ tương ứng giữa quyền và nghĩa vụ của các chủ thể nhưng không diễn ra đồng thời, không có tính tuyệt đối và cũng không có tính chất đền bù tương đương.

Quan hệ cấp dưỡng mang tính chất có đi có lại nhưng không tuyệt đối và không có tính chất đền bù tương đương. Điều này xuất phát từ chính bản chất của quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng là ràng buộc nhau bởi tình máu mủ, tình nghĩa… nên pháp luật quy định các chủ thể tham gia quan hệ này không vì mục đích nhận sự đáp lại, và không buộc phải hoàn lại những gì đã nhận bằng một giá trị tương đương. Đây cũng là lý do khiến quan hệ cấp dưỡng không mang tính tuyệt đối.

Quan hệ cấp dưỡng không diễn ra đồng thời. Theo quy định của pháp luật, quan hệ cấp dưỡng chỉ phát sinh trong những trường hợp cụ thể và trong những quan hệ nhất định nên nó diễn ra không đồng thời. Chẳng hạn khi ly hôn sẽ phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhưng không đồng thời phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ của người con, mà nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ sẽ phát sinh khi con không trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ trong trường hợp cha mẹ rơi vào hoàn cảnh đau ốm, túng thiếu mà con có khả năng cấp dưỡng…

– Thứ tư, quan hệ cấp dưỡng là một quan hệ phái sinh, nó chỉ phát sinh khi có những điều kiện nhất định, tức là khi quan hệ nuôi dưỡng không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ.

Quan hệ cấp dưỡng chỉ phát sinh khi có những điều kiện nhất định bởi vì về bản chất, nghĩa vụ cấp dưỡng được đặt ra nhằm mục đích tương trợ khi một bên thiếu thốn, không đầy đủ về phương diện vật chất. Chính vì sự không đầy đủ hay thiếu thốn đó mà nghĩa vụ cấp dưỡng mới có cơ sở để phát sinh.

– Thứ năm, việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thông qua lương tâm, đạo đức, dư luận xã hội và cả các biện pháp cưỡng chế thi hành.

Quan hệ huyết thống là gốc rễ hình thành mối quan hệ gắn bó, khăng khít giữa các thành viên trong gia đình. Khi các thành viên trong gia đình không thể trực tiếp, chăm sóc nhau thì họ thực hiện nghĩa vụ mà thông qua việc cấp dưỡng.

Việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trước hết xuất phát từ ý thức, trách nhiệm của bên thực hiện cấp dưỡng. Pháp luật cũng đã đưa ra những chế tài nhằm xử lý những trường hợp trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng của mình như quy định về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 186 Bộ luật hình sự năm 2015.

2. Điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng

Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình phát sinh khi có các điều kiện sau:

– Người được cấp dưỡng và người có nghĩa vụ cấp dưỡng có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng;

– Người được cấp dưỡng và người có nghĩa vụ cấp dưỡng không cùng sống chung với nhau hoặc người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

– Người được cấp dưỡng là người chưa thành niên hoặc là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu;

– Người có nghĩa vụ cấp dưỡng là người đã thành niên, có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

3. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Việc thực hiện cấp dưỡng của bên có nghĩa vụ là cơ sở để bên được cấp dưỡng được đảm bảo quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do mà bên có nghĩa vụ vô ý hoặc cố ý không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Vì vậy, pháp luật quy định quyền cho các chủ thể nhằm yêu cầu đối tượng có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 119 Luật HN&GĐ năm 2014, người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bao gồm:

– Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó;

– Người thân thích;

– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

– Hội liên hiệp phụ nữ.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi về nghĩa vụ cấp dưỡng tại Thái Nguyên. Nếu quý khách hàng cần tư vấn và hỗ trợ. Hãy liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH V.I.P – CHI NHÁNH THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Số 660/1 đường Bắc Kạn, Phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên.

HOTLINE 0862328616 – 0976130585

Email: luatvipthainguyen@gmail.com